So sánh WordPress và Laravel: Nền tảng nào tốt hơn?

WordPress và Laravel là hai nền tảng công nghệ phát triển web nổi tiếng, mỗi nền tảng đều có những ưu điểm riêng, phục vụ cho mục đích và yêu cầu khác nhau của người sử dụng.

WordPress là một hệ thống quản lý nội dung (CMS) phổ biến, trong khi Laravel là một framework phát triển ứng dụng web PHP mạnh mẽ. Mỗi nền tảng đều có cộng đồng đông đảo và được hỗ trợ bởi một loạt các tài liệu, plugin và theme.

Việc chọn nền tảng phù hợp là yếu tố quan trọng có thể quyết định thành công cho dự án của bạn. Vậy nên chọn WordPress hay Laravel? Trong bài này Phạm Thiện sẽ so sánh WordPress và Laravel chi tiết để giúp bạn có cài nhìn tổng quan về hai nền tảng này đồng thời đưa ra quyết định đúng đắn cho dự án của mình.

Tổng quan về WordPress và Laravel

Trước khi chúng ta bắt đầu phân tích và so sánh giữa hai nền tảng phát triển web nổi tiếng là Laravel và WordPress, hãy cùng tìm hiểu một chút về chúng để có cái nhìn tổng quan hơn về 2 nền tảng này nhé:

WordPress là gì?

WordPress là một hệ thống quản lý nội dung (CMS) được xây dựng dựa trên mã nguồn mở, giúp người sử dụng có thể xây dựng một website hết sức dễ dàng. Với việc sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP và hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL, WordPress trở thành một nền tảng xây dựng trang web chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu.

Hiện nay, WordPress đã trở thành một trong những CMS phổ biến nhất trên thế giới nhờ miễn phí, chất lượng tốt và khả năng sử dụng dễ dàng. Với WordPress, bạn có thể dễ dàng tạo ra bất kỳ trang web  nào bạn muốn như blog, website bán hàng, diễn đàn thảo luận…

WordPress được đánh giá cao bởi khả năng tùy biến, dễ sử dụng cùng cộng đồng người dùng lớn luôn sẵn sàng giúp đỡ người dùng muốn tìm hiểu về WordPress. Khác với nhiều CMS khác, WordPress không đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về lập trình, mặc dù kiến thức này rất hữu ích nếu bạn có.

Thay vì phải viết code để phát triển trang web, công việc này bạn có thể thực hiện dễ dàng thông qua việc sử dụng các plugin, ví dụ như elementor, wpbakery page builder….

Laravel là gì?

Laravel là một framework PHP mã nguồn mở miễn phí, được xây dựng và phát triển bởi Taylor Otwell, nhằm cung cấp, hỗ trợ cho các nhà phát triển trong việc xây dựng phần mềm & ứng dụng theo kiến trúc phần mềm Model-View-Controller (MVC), mang đến trải nghiệm giao diện người dùng trên máy tính.

Mặc dù là mã nguồn mở miễn phí những Laravel có thể hỗ trợ người sử dụng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, Laravel còn giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian trong quá trình phát triển ứng dụng, bằng cách giảm thiểu việc viết mã nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chung của ngành. Laravel đã ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2011 và hiện tại, phiên bản Laravel 7 đang là phiên bản thế hệ thứ 7 của framework này.

Hiện nay, Laravel được sử dụng rộng rãi để xây dựng các blog và website thương mại điện tử. Tuy nhiên, đây là một nền tảng thiết kế web đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức về lập trình như thành thạo HTML, CSS, PHP,…để triển khai website.

Do đó, Laravel không phải là sự lựa chọn phù hợp để xây dựng website cho những người mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm về lập trình. Tuy nhiên, nếu bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm, Laravel thực sự là một lựa chọn tuyệt vời để mở rộng quy mô cho mọi dự án.

So Sánh WordPress Và Laravel Chi Tiết

Một số điểm giống nhau giữa WordPress và Laravel

+ Trải nghiệm người dùng tốt: Cả Laravel và WordPress đều cung cấp một trải nghiệm người dùng tốt, giúp người dùng dễ dàng xây dựng và quản lý các trang web với nhiều chức năng nâng cao.

+ Sử dụng mã nguồn mở miễn phí: Cả hai đều sử dụng công nghệ web mã nguồn mở miễn phí, giúp người dùng tiết kiệm chi phí phát triển và triển khai các dự án web.

+ Xây dựng trên nền tảng PHP: Laravel và WordPress đều được phát triển trên nền tảng ngôn ngữ lập trình PHP, cho phép các nhà phát triển tận dụng các tính năng và thư viện mạnh mẽ của PHP.

+ Độ linh hoạt và ứng dụng cao: Cả Laravel và WordPress đều có tính ứng dụng cao, cho phép người dùng tùy chỉnh và mở rộng chức năng theo nhu cầu của họ. Cả hai cũng đáp ứng tốt cho các yêu cầu phức tạp và thay đổi nhanh chóng của các dự án web.

+ Lập trình hướng đối tượng: Cả hai framework đều hướng tới lập trình hướng đối tượng (OOP), giúp việc phát triển và bảo trì mã nguồn trở nên dễ dàng và có tổ chức.

+ Cộng đồng hỗ trợ: Laravel và WordPress đều có cộng đồng hỗ trợ trực tuyến nhiệt tình, đông đảo và chất lượng. Người dùng có thể tìm thấy các tài liệu, hướng dẫn và diễn đàn để giải đáp các vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng WordPress có cấu trúc dựa trên theme và plugin, với hơn 57,000 plugin khác nhau, cho phép người dùng mở rộng tính năng của WordPress. Trong khi đó, Laravel hỗ trợ tính năng và tùy chỉnh có khả năng tái sử dụng, giúp nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phức tạp và tùy chỉnh theo yêu cầu cụ thể.

Sự khác nhau giữa WordPress và Laravel

WordPress là một hệ thống quản lý nội dung (CMS) được tạo ra để xây dựng và quản lý các trang web, trong khi Laravel là một framework phát triển ứng dụng web. WordPress dễ sử dụng cho người dùng không có kiến thức code, trong khi Laravel đòi hỏi người dùng phải có hiểu biết về lập trình và ngôn ngữ lập trình.  Có một số điểm khách nhau chính giữa 2 nền tảng mà bạn có thể tham khảo ở dưới đây:

+ Đòi hỏi kinh nghiệm: WordPress yêu cầu ít kinh nghiệm hơn so với Laravel. Điều này có nghĩa là người dùng không cần có kiến ​​thức sâu về lập trình để sử dụng WordPress, trong khi Laravel đòi hỏi người dùng có hiểu biết về lập trình và ngôn ngữ PHP.

+ Độ phức tạp: WordPress đơn giản hơn nhiều so với việc sử dụng Laravel. Với WordPress, người dùng có thể dễ dàng tạo và quản lý các trang web thông qua giao diện người dùng thân thiện, trong khi Laravel được sử dụng để xây dựng các ứng dụng web phức tạp hơn và yêu cầu kiến thức lập trình chi tiết.

+ Quản lý cơ sở dữ liệu: Quá trình viết truy vấn và di chuyển cơ sở dữ liệu với Laravel thường dễ dàng hơn so với WordPress. Laravel cung cấp một ORM (Object-Relational Mapping) mạnh mẽ và các công cụ giúp quản lý cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn. Trong khi đó, WordPress dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu MySQL và sử dụng các câu lệnh SQL truyền thống.

+ Tính tích hợp: WordPress phụ thuộc chủ yếu vào các plugin để cung cấp các chức năng phức tạp. Trong khi đó, Laravel đã tích hợp sẵn nhiều tính năng mạnh mẽ, cho phép người dùng xây dựng các ứng dụng web mà không cần phải dựa vào các plugin bên thứ ba.

+ Tốc độ và an toàn: Tốc độ tải trang của WordPress có thể bị chậm do sử dụng nhiều plugin. Trong khi đó, Laravel có khả năng tải trang nhanh hơn do quản lý tác vụ tự động hiệu quả. Ngoài ra, Laravel cũng có tính an toàn và ổn định cao hơn do tính năng bảo mật được tích hợp sẵn, trong khi WordPress phải dựa vào các plugintheme bên thứ ba có thể gây ra rủi ro bảo mật.

+ Khả năng SEO: WordPress cho phép tích hợp nhiều công cụ SEO hữu ích như RankMath, Yoast SEO,…để tối ưu hóa trang web cho các công cụ tìm kiếm. Trong khi đó, Laravel có khó khăn hơn trong việc tối ưu hóa SEO.

+ Mục tiêu sử dụng: WordPress phù hợp cho việc cập nhật nội dung thường xuyên trên trang web, như tin tức, blog, tạp chí. Trong khi đó, Laravel là một lựa chọn tốt hơn để thiết kế các trang web tùy chỉnh và xử lý các hệ thống quản lý dữ liệu lớn. Laravel cung cấp một nền tảng tổng quát và thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng web và tiện ích online gọn nhẹ.

+ Đối tượng người dùng: WordPress hướng tới đối tượng người dùng không chuyên, cho phép họ dễ dàng xây dựng và quản lý các trang web cung cấp nội dung như tin tức, blog, tạp chí và website thông thường. Trong khi đó, Laravel yêu cầu người dùng có hiểu biết về ngôn ngữ lập trình PHP và hướng tới các nhà phát triển và kỹ sư phần mềm để xây dựng các ứng dụng web phức tạp và tùy chỉnh.

Nói chung, WordPress là lựa chọn thuận tiện hàng đầu để phát triển các trang web cung cấp nội dung đơn giản, trong khi Laravel cung cấp một nền tảng mạnh mẽ và linh hoạt hơn cho việc xây dựng các ứng dụng web tùy chỉnh và quản lý dữ liệu phức tạp.

Bài viết so sánh WordPress và Laravel chi tiết trên đây giúp bạn thấy rõ những điểm tương đồng đến sự khác biệt giữa hai mã nguồn giữa 2 nền tảng và có thể quyết định lựa chọn mã nguồn phù hợp với nhu cầu của mình. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của mình và đừng quên share nó cho bạn bè cùng đọc nếu thấy hữu ích nhé.